Số phận 7 vệ tinh Việt Nam giờ ra sao?
Trước kia, khi không thể tự chụp được các hình ảnh từ vũ trụ, Việt Nam thường phải mua hoặc xin ảnh của nước ngoài. Hiện nay chỉ trong vòng 6-12 tiếng, hình ảnh có thể được gửi về từ vệ tinh Việt Nam theo yêu cầu. Việc có vệ tinh quan sát trái đất của riêng mình cũng là điều kiện để Việt Nam tăng cường bảo mật thông tin. Ngoài ra, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa…
Các vệ tinh Việt Nam đang sở hữu đã đem lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; giám sát môi trường, khí tượng, bản đồ, dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu… Đến nay, Việt Nam đã sở hữu 7 vệ tinh, trong đó có 3 vệ tinh do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo, quản lý và vận hành.
Vệ tinh VINASAT-1
Ngày 18/4/2008, VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam.
Vệ tinh do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất và được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Adrian-5 (Pháp). Vị trí quỹ đạo là 1320E (132 độ đông). Vệ tinh có chiều cao 4m, trọng lượng 2,8 tấn, tuổi thọ hoạt động 15 năm. Băng tần hoạt động: Băng C mở rộng và băng Ku với vùng phủ sóng rộng lớn gồm Việt Nam, Đông Nam Á, Đông Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Hawaii.
VINASAT-1 được thiết kế gồm 20 bộ phát đáp hoạt động trong đó có 8 bộ băng tần C mở rộng, 12 bộ băng tần Ku, với băng thông 36Mhz/bộ, 8 bộ phát đáp dự phòng (4 bộ băng Ku, 4 bộ băng C mở rộng)
Đây là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam. Việc phóng VINASAT-1 giúp Việt Nam chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển. Phóng VINASAT cũng giúp chúng ta khẳng định được chủ quyền về quỹ đạo vệ tinh, về tần số vô tuyến điện.
Vệ tinh VINASAT-2
Là vệ tinh viễn thông địa tĩnh của Việt Nam được phóng thành công vào quỹ đạo vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16/5/2012, tại bãi phóng Kourou ở Guyana bằng tên lửa Ariane 5 ECA.
VINASAT-2 có tổng kinh phí khoảng 260 – 280 triệu USD, được Thủ tướng thông qua và giao cho VNPT làm chủ đầu tư hồi tháng 12/2009. Giống như VINASAT-1, đối tác triển khai dự án VINASAT-2 vẫn là Lockheed Martin (Mỹ) sử dụng công nghệ khung A2100A với việc cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng cho vệ tinh viễn thông.
VINASAT-2 có thể có tuổi thọ lên tới 21,3 năm. VINASAT-2 được thiết kế với 30 bộ phát đáp băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng).
Việt Nam đang lên kế hoạch chuẩn bị phóng vệ tinh thay thế 2 vệ tinh Việt Nam: VINASAT-1 và VINASAT-2 vào cuối năm 2026.
Vệ tinh NANO F-1
Nano F-1 được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngày 21/7/2012 từ phi thuyền HTV-3 tại Nhật Bản. Đây là thành quả nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Không gian FPT (FSpace) thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Đại học FPT.
Vệ tinh Nano F-1 có kích thước 10 x 10 x 10cm và nặng 1kg. Trên vệ tinh Nano F-1 có gắn một camera độ phân giải thấp (640×480) để chụp ảnh trái đất; một cảm biến từ trường 3 trục để phục vụ hệ thống xác định tư thế vệ tinh và một số cảm biến nhiệt độ để thu thập dữ liệu từ môi trường không gian.
Tuy nhiên, đến nay vệ tinh vẫn chưa phát tín hiệu, nguyên nhân có thể do mạch sạc của vệ tinh gặp sự cố nên không được cung cấp năng lượng từ tấm pin mặt trời.
Vệ tinh VNREDSat-1
VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám bay vòng quanh trái đất, khác với VINASAT-1 và 2 là vệ tinh địa tĩnh, luôn đứng yên tại một vị trí so với bề mặt trái đất.
VNREDSat-1 do công ty do Công ty EADS Astrium, Pháp, thiết kế và chế tạo. Vệ tinh được đưa vào quỹ đạo ngày 7/5/2013 từ bãi phóng ở Kourou, Guyana thuộc Pháp.
Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất. Khi đi vào hoạt động, vệ tinh này sẽ kết hợp với hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tạo ra hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.
Trạm mặt đất thu tín hiệu của vệ tinh xác nhận VNREDSat-1 hoạt động đúng quỹ đạo và đang thực hiện nhiệm vụ của nó trong không gian.
Vệ tinh PICODRAGON
Vào ngày 4/8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon đã được phóng thành công lên Trạm Vũ trụ Quốc Tế ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản. Sau hơn 3 tháng được lưu giữ trong mô-đun Kibo trên Trạm ISS, ngày 19/11/2013 (giờ Việt Nam), PicoDragon cùng 2 vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ đã được đưa vào quỹ đạo.
PicoDragon có kích thước 10 x 10 x 11,35cm, khối lượng 1kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Sau hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới, PicoDragon đã hoàn thành nhiệm vụ và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển.
Vệ tinh MICRODRAGON
Ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu và chế tạo, đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).
MicroDragon là vệ tinh có kích thước 50 x 50 x 50cm, nặng 50kg. Với thời gian hoạt động dự kiến từ 2 đến 5 năm, MicroDragon sẽ sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp hoàn toàn bởi pin mặt trời.
Đây là vệ tinh có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Dữ liệu ảnh từ vệ tinh MicroDragon gửi về là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng thế giới, từ đó giúp Việt Nam tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Vệ tinh NANODRAGON
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100x100x340,5mm), được Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VNSC) phát triển, đã được phóng thành công lên vũ trụ vào ngày 9/11/2021.
Vệ tinh Việt Nam NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Hiện trạm mặt đất của VNSC chưa thu được thông tin đường truyền dữ liệu đo xa ở dải UHF, do đó các thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh NanoDragon chưa xác định được. Ở thời điểm hiện tại, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của vệ tinh NanoDragon.
Nguồn: Tổng hợp, VNSC
Trung tâm Công nghệ Địa không gian – Vegastar Geospatial Center
Ngoài ra, Trung tâm VegaGeos cung cấp dịch vụ ảnh viễn thám có độ phân giải cao ở các lĩnh vực như: an ninh – quốc phòng, nông – lâm nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, quản lý tài nguyên môi trường, phát triển năng lượng, phát hiện biến đổi khí hậu và quản lý cơ sở hạ tầng. |