MicroDragon: Vệ tinh đầu tiên chính thức do Việt Nam chế tạo
MicroDragon là vệ tinh đầu tiên chính thức do đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam chế tạo, tích hợp được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon vào ngày 18-1-2019.
Mô tả
Vệ tinh MicroDragon nặng khoảng 50kg, mang cấu trúc hình lập phương mỗi cạnh khoảng 50cm, có nhiệm vụ quan sát màu nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản ven bờ biển Việt Nam. MicroDragon là vệ tinh đầu tiên do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, trong khuôn khổ dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Khối nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 2 dải phổ, ánh sáng khả kiến (bước sóng từ 412 đến 740 nm) và cận hồng ngoại (bước sóng từ 730 đến 1026 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511 km.
MicroDragon được thiết kế hoạt động trên không gian tối thiểu 1 năm nhưng có thể hoạt động ổn định trong 2 năm. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản. Việc vận hành sẽ do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện.
Nhiệm vụ
Vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất. Đồng thời MicroDragon cũng sẽ thử nghiệm một số công nghệ vật liệu mới.
Số phận 7 vệ tinh của Việt Nam giờ ra sao?
Việc có ảnh của MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ảnh của MicroDragon còn có thể dùng phối hợp với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro
Hành trình
Đúng 7 giờ 50 phút ngày 18/1/2019, tên lửa đẩy Epsilon rời bệ phóng mang theo vệ tinh MicroDragon của Việt Nam cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản bay vào vũ trụ.
Sau khoảng 52 phút, tên lửa bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh MicroDragon là vệ tinh thứ 3 được thả vào không gian sau khi rời khỏi mặt đất 1 tiếng 5 phút, ở độ cao 511 km lúc 8 giờ 40 phút, với vận tốc 7,6 km/giây. Vệ tinh cuối cùng được thả ra là vệ tinh NEXUS sau 1 tiếng 10 phút.
Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, vào khoảng 0 giờ 11 phút ngày 22/1/2019 (giờ Việt Nam), vệ tinh MicroDragon đã lần đầu tiên chụp ảnh thử nghiệm ở khu vực nước Mỹ bằng máy ảnh trung tâm của hệ máy ảnh phân cực TPI (Triple Polarization Imager). Hệ máy ảnh TPI của vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát, phát hiện độ bao phủ mây, đặc tính của sol khí, cải thiện hiệu chỉnh khí quyển…
Việt Nam và ước vọng làm chủ vệ tinh
Đây là bước tiến quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nằm trong top đầu của khu vực về công nghệ vệ tinh và là bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ. MicroDragon cũng góp phần xác lập vị thế của Việt Nam ở tầm khu vực. Đây là kết quả đầu tiên của dự án được đầu tư nhiều kinh phí nhất cho khoa học công nghệ từ trước đến nay của Việt Nam, khoảng 600 triệu USD.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã từng thành công trong việc chế tạo và phóng vệ tinh PicoDragon vào tháng 11/2013, tiếp nối là vệ tinh NanoDragon vào tháng 11/2021 và dự định chế tạo các vệ tinh Lotusat-1 và Lotusat-2 với khối lượng 600kg trong tương lai gần.
Nguồn: VNSC
Trung tâm Công nghệ Địa không gian – Vegastar Geospatial Center
Ngoài ra, Trung tâm VegaGeos cung cấp dịch vụ ảnh viễn thám có độ phân giải cao ở các lĩnh vực như: an ninh – quốc phòng, nông – lâm nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, quản lý tài nguyên môi trường, phát triển năng lượng, phát hiện biến đổi khí hậu và quản lý cơ sở hạ tầng. |