Author - Trang Huyền

Dự báo bão Việt Nam 2024: Sẽ có bao nhiêu cơn bão ập đến?

Việt Nam là một trong những quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của bão mỗi năm. Dự báo bão chính xác sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và thiệt hại về người và tài sản.

Tình hình bão tại Việt Nam năm 2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 dự kiến sẽ có từ 2 đến 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong giai đoạn tháng 8 – tháng 10.

Hơn nữa, trong giai đoạn này, hoạt động của hiện tượng ENSO (El Niño và La Niña) là yếu tố chính ảnh hưởng đến mùa bão ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam. Hiện tượng El Niño, được dự đoán suy yếu dần trong nửa đầu năm 2024 và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, còn từ tháng 8 đến tháng 10 có khả năng chuyển sang La Niña với xác suất từ 65-75%. Sự thay đổi này cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của mùa bão, làm tăng số lượng và cường độ của các cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Cảnh báo và chuẩn bị cho mùa bão

Ngoài ra, dự báo cho thấy từ nay đến khoảng tháng 7.2024, hoạt động bão trên Biển Đông có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 10, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tăng lên, đạt mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, với tổng số bão trên Biển Đông khoảng từ 6 đến 7 cơn.

Sự chuẩn bị cho những tình huống này không chỉ dựa vào các mô hình dự báo thông thường mà còn thông qua những hình ảnh và dữ liệu từ vệ tinh. Ảnh vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt hình ảnh thực tế và cập nhật liên tục về các cơn bão đang hình thành và di chuyển trên biển.

anh ve tinh sieu bao Doksuri Philippines 2023 vegageospatial 1

Ví dụ, ảnh vệ tinh của siêu bão Doksuri ghi lại ngày 25.7.2023 tại khu vực phía bắc Philippines đã giúp các nhà khí tượng học nghiên cứu về cấu trúc và hướng di chuyển của bão, từ đó dự báo chính xác hơn về quỹ đạo và cường độ của nó khi tiến gần đến Việt Nam.

Các hình ảnh từ vệ tinh không chỉ cung cấp thông tin về bão, mà còn về các đặc điểm khác như nhiệt độ mặt biển, mây, gió, và thậm chí là lượng mưa. Những thông tin này là cơ sở để dự đoán các hiện tượng thời tiết cực đoan và cảnh báo sớm, giúp các cơ quan chức năng và người dân chuẩn bị tốt hơn trước khi bão đổ bộ.

Vì sao bản đồ mây của vệ tinh có thể dùng để dự báo thời tiết?

Tình hình thủy văn và triều cường

Về tình hình hải văn, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7.2024, độ cao sóng lớn nhất tại khu vực ngoài khơi Trung Bộ trở vào đến Nam Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có thể đạt 2,0 – 3,0m.

Ven biển Đông Nam Bộ từ tháng 5 đến đến tháng 7.2024 xuất hiện 6 đợt triều cường. Đợt 1 từ ngày 7.5 – 11.5.2024, đợt 2 từ ngày 23.5 – 28.5, đợt 3 từ ngày 4.6 – 9.6, đợt 4 từ ngày 22.6 – 26.6, đợt 5 từ ngày 5 – 8.7.2024, đợt 6 từ ngày 22 – 28.7.2024.

Trong đó, đợt triều cường vào 7 – 11.5 mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt 4m, các đợt triều cường khác mực nước trạm Vũng Tàu nhỏ hơn 4m.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2024, thời kỳ này khu vực ven biển khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng trong bão và áp thấp nhiệt đới.

Thông qua việc tích hợp dữ liệu từ ảnh vệ tinh và các mô hình dự báo, Việt Nam đang tăng cường khả năng cảnh báo sớm và chuẩn bị ứng phó với bão, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và phát triển bền vững của quốc gia trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Nguồn: Tổng cục khí tượng thủy văn