Vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam có còn hoạt động tốt?
Ngày 16/5/2012, vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam (VINASAT-2) được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông từ bãi phóng Kouru (Guyana , Nam Mỹ). Tới tháng 7/2012, sau khi được Mỹ chuyển giao công nghệ, Việt Nam chính thức vận hành, sử dụng, khai thác vệ tinh VINASAT-2.
Dự án vệ tinh VINASAT-2
Dự án VINASAT-2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2009, giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư với kinh phí từ 260 – 280 triệu USD.
Nếu như với quả vệ tinh viễn thông đầu tiên VINASAT-1 phải có tới 10 năm chuẩn bị mới lên được bệ phóng, thì vệ tinh VINASAT-2 được đánh giá triển khai tương đối nhanh. Trong khoảng thời gian 3 năm, VNPT cùng các đối tác của mình đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị, từ việc xây dựng Dự án cho đến khi phóng vệ tinh.
Số phận 7 vệ tinh của Việt Nam giờ ra sao?
Vệ tinh VINASAT-2 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, tuổi thọ thiết kế 15 năm, tuy nhiên vẫn có thể lên tới 21,3 năm. Tổng trọng lượng của vệ tinh là 2969 kg, kích thước 3 chiều là 4,4 x 1,9 x 1,8 m, sải cánh khi di chuyển trong quỹ đạo là 18,9 m.
Vệ tinh VINASAT-2 được phóng lên bằng tên lửa Ariane-5 ECA cùng với vệ tinh viễn thông JCSAT-13 của Nhật Bản.
Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT- 2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Đường đi của vệ tinh VINASAT-2
Việc phóng, duy trì tốc độ, hướng bay và quỹ đạo của tên lửa đẩy Ariane 5 được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính được gắn ngay trên tên lửa và hệ thống điều khiển mặt đất. Tốc độ trung bình của tên lửa là 9339m/giây.
Theo thiết kế, 2 tên lửa đẩy gắn 2 bên sẽ được khởi động 7 giây sau động cơ chính khởi động để đẩy tên lửa rời bệ phóng.
Đúng 5h13 phút, động cơ tên lửa sau khi được kích hoạt đã rời bệ phóng mang theo hai vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo. Vệ tinh JCSAT-13 nặng khoảng 4,5 tấn và sẽ được đặt phía trên VINASAT-2 trong khoang hàng của tên lửa.
Theo quy trình, vệ tinh JCSAT-13 tách trước (khoảng 26 phút sau khi rời mặt đất) và hướng về tọa độ 124 độ Đông. VINASAT-2 sẽ tách khỏi tên lửa 10 phút sau đó. Sau khi phóng hơn 20 phút, độ cao tăng nhanh chóng: 1.270 km, tốc độ hơn 9 km/s. Tên lửa gần như vuông góc với trái đất. Khoảng 20 phút sau khi phóng, vị trí vệ tinh ở phần Tây của châu Âu. Tên lửa bay được 23 phút, động cơ đẩy tầng 2 tách ra. Vận tốc 9,32 km/s.
Động cơ của tên lửa sau đó được điều khiển để rơi xuống trái đất ở khu vực ngoài khơi Châu Phi trên Đại Tây Dương (Mũi Ghi-nê).
Đúng 5h49 phút, vệ tinh VINASAT-2 rời khoang chứa, đi vào quỹ đạo, đánh dấu việc phóng vệ tinh của tên lửa Ariane 5 đã thành công.
Sau khi rời khoang chứa, VINASAT-2 sẽ bay 2 vòng quanh trái đất trước khi đi vào quỹ đạo ổn định tại 131,8 độ Đông. Vị trí quỹ đạo này rất gần với vị trí của vệ tinh VINASAT-1 (132 độ Đông) nên các ăngten thu tín hiệu vệ tinh VINASAT-1 đều có thể thu được tín hiệu vệ tinh VINASAT-2 mà không cần phải chỉnh hướng.
Từ năm 2012 đến nay, vệ tinh VINASAT-2 đã và đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình và có thể hoàn thành sứ mệnh vào năm 2026. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam hiện đang xem xét và lên kế hoạch rất kỹ lưỡng chuẩn bị phóng vệ tinh thay thế hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 vào cuối năm 2026.
Nguồn: ESA, ArianeSpace, Tổng hợp
Trung tâm Công nghệ Địa không gian – Vegastar Geospatial Center
Ngoài ra, Trung tâm VegaGeos cung cấp dịch vụ ảnh viễn thám có độ phân giải cao ở các lĩnh vực như: an ninh – quốc phòng, nông – lâm nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, quản lý tài nguyên môi trường, phát triển năng lượng, phát hiện biến đổi khí hậu và quản lý cơ sở hạ tầng. |