Lập bản đồ mức độ thiệt hại gây ra bởi thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ
NASA đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để lập bản đồ mức độ thiệt hại gây ra bởi trận động đất kinh hoàng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Các trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ richter tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2/2023 đã tàn phá cả hai quốc gia trên diện rộng. Chúng bắt nguồn từ một đường đứt gãy nằm sâu 18 km bên dưới mặt đất, tạo ra rung chuyển dữ dội ảnh hưởng đến các khu vực cách tâm chấn hàng trăm km, theo dữ liệu mới được NASA chia sẻ hôm 10/2.
Công nghệ không gian địa lý: Tính toán, dự đoán và hỗ trợ ứng biến với các thảm họa
Bản đồ mức độ thiệt hại sơ bộ ở trên cho thấy một phần của các thành phố Turkoglu, Kahramanmaras và Nurgadi của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó các pixel (điểm ảnh) màu đỏ đậm biểu thị những khu vực mà nhà cửa và cơ sở hạ tầng hư hại nghiêm trọng hoặc bị làm thay đổi cảnh quan, trong khi các khu vực màu cam và màu vàng bị tàn phá vừa phải hoặc một phần. Mỗi pixel có kích thước khoảng 30m, tương đương diện tích sân bóng chày.
“Đây là những trận động đất rất lớn và mạnh, phá vỡ toàn bộ bề mặt trên một loạt các đoạn đứt gãy dài“, nhà địa vật lý Eric Fielding tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết. “Điều này tạo ra rung chuyển cực mạnh trên một khu vực rất rộng lớn, tấn công nhiều thành phố và thị trấn đông người. Độ dài và cường độ của trận động đất mạnh 7,8 độ richter tương tự như trận động đất năm 1906 đã tàn phá San Francisco“.
Ngay sau khi tin tức về thảm họa lan rộng, các nhà khoa học NASA cùng các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới lập tức thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu vệ tinh liên quan đến vụ việc.
Bản đồ thiệt hại khu vực tỉnh Turkoglu bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,8 độ richter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cre: NASA.
Bản đồ được tạo ra từ dữ liệu do thiết bị PALSAR-2 trên Vệ tinh Quan sát Mặt đất Tiên tiến ALOS-2 thu thập vào ngày 8/2/2023. Vệ tinh này mang một radar khẩu độ tổng hợp, một cảm biến gửi các xung vi sóng về phía bề mặt Trái Đất và lắng nghe phản xạ của những con sóng đó để lập bản đồ cảnh quan. Bằng cách so sánh dữ liệu ngày 8/2 với các quan sát của cùng một vệ tinh trước trận động đất (vào ngày 7/4/2021 và 6/4/2022), các nhà khoa học có thể nhận thấy những thay đổi và xác định các khu vực bị hư hại.
Bản đồ thiệt hại khu vực tỉnh Kahramanmaras bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,8 độ richter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cre: NASA.
Dữ liệu ALOS-2 được cung cấp bởi Sentinel Asia (dự án hợp tác quốc tế nhằm áp dụng công nghệ viễn thám và Web-GIS để hỗ trợ quản lý thảm họa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương) và được phối hợp phân tích bởi Đài quan sát Trái Đất thuộc Phòng thí nghiệm Viễn thám Singapore, Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA và Viện Công nghệ California.
“Bản đồ chỉ cho thấy phần trung tâm của khu vực bị ảnh hưởng do ALOS-2 sử dụng dải dữ liệu chùm tia hẹp dài 70km, nhưng nó bao gồm các tâm chấn của cả trận động đất chính mạnh 7,8 độ và dư chấn 7,5 độ“, Fielding nói.
Bản đồ thiệt hại khu vực tỉnh Nurdagi bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,8 độ richter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cre: NASA.
Bản đồ thiệt hại và dữ liệu vệ tinh đang được chia sẻ với các tổ chức như Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Cứu trợ Thảm họa Toàn cầu Miyamoto và Ngân hàng Thế giới. Nhóm NASA cũng đang tham gia vào các chương trình phối hợp liên tục do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tổ chức để đóng góp kiến thức khoa học chuyên môn nhằm hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Khi có dữ liệu mới, nhóm NASA sẽ cập nhật bản đồ theo sát thời gian thực.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự kiện này. Ngoài việc lập bản đồ thiệt hại từ vệ tinh, chúng tôi đang sử dụng vệ tinh để theo dõi các nguy cơ lở đất gia tăng, mất điện và thời tiết xấu có thể đặt ra những thách thức đối với nỗ lực ứng phó“, Shanna McClain, người quản lý chương trình hợp tác, nói thêm.
Nguồn: NASA
Trung tâm Công nghệ Địa không gian – Vegastar Geospatial Center
Ngoài ra, Trung tâm VegaGeos cung cấp dịch vụ ảnh viễn thám có độ phân giải cao ở các lĩnh vực như: an ninh – quốc phòng, nông – lâm nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, quản lý tài nguyên môi trường, phát triển năng lượng, phát hiện biến đổi khí hậu và quản lý cơ sở hạ tầng. |