Ảnh vệ tinh hé lộ tình hình xây dựng 100 hầm chứa tên lửa của Trung Quốc
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây hơn 100 địa điểm nghi là silo (hầm chứa tên lửa) ở thành phố Ngọc Môn, miền Tây nước này. Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc có thể sở hữu 1000 đầu đạn đến năm 2030, so với con số khoảng 350 đầu đạn hiện tại.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng việc nâng cao năng lực hạt nhân có thể ngăn chặn kịch bản Mỹ can thiệp trực tiếp vào một cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan.
Tăng cường “năng lực răn đe”
Trung Quốc có kế hoạch duy trì kho hạt nhân không vượt quá mức cần thiết. Các quan chức quân đội Trung Quốc tin rằng vũ khí hạt nhân Bắc Kinh đang sở hữu đã lạc hậu để có thể răn đe hiệu quả đối với Mỹ.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển cho biết trong năm 2021, Trung Quốc có 350 đầu đạn hạt nhân, thấp hơn nhiều so với con số mà Mỹ (5.550) hay Nga (6.255) đang sở hữu.
Mặc dù các nhà nghiên cứu xác định được 120 công trình có thể là các silo chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng không dấu hiệu gì cho thấy chúng đang được sử dụng hoặc sẽ được sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, các silo cách nhau khoảng 3km, được sắp xếp trong một hệ thống này, có thể được sử dụng để đặt các ICBM DF-41 do Trung Quốc sản xuất.
DF-41, còn được gọi là CSS-X-20, có tầm bắn từ 12.000 – 15.000 km, có thể được trang bị lên tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập, Dự án Mối đe dọa Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho hay.
Ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 1 cho thấy 45 địa điểm cuối cùng trong 120 điểm nghi là hầm chứa tên lửa gần thành phố Ngọc Môn đã được tháo lớp che phủ.
Các nhà phân tích cho rằng hầm phóng đủ lớn để triển khai tên lửa tầm xa DF-41, được đưa vào biên chế trong năm 2020, có thể vươn đến lãnh thổ Mỹ. Nhiều vụ thử tên lửa mang đầu đạn phóng từ máy bay cũng gia tăng khả năng đáp trả của Trung Quốc nếu bị tấn công phủ đầu.
Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi về các hầm phóng tên lửa, nhưng trong cuộc gặp các quan chức quốc phòng hồi tháng 3/2021, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thúc giục “tăng tốc xây dựng hệ thống răn đe chiến lược hiện đại”, hàm ý nói đến vũ khí hạt nhân, theo Wall Street Journal.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống phản ứng trước một cuộc tấn công hạt nhân. Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa, với sự hỗ trợ của Nga. Tháng 2/2021, Trung Quốc phóng một vệ tinh mà các nhà phân tích cho rằng là hệ thống cảm biến tên lửa đặt ngoài không gian.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển các loại vũ khí hiện đại như máy bay và tàu ngầm không người lái, cùng tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nguồn: Wall Street Journal, Planet