Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát rác thải nhựa ven biển
Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ.
Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia thải nhiều rác nhựa?
Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Tại một số địa phương ven biển, rác thải nhựa đã trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Theo đánh giá của Cục Điều tra và Kiểm soát TN&MT biển, khu vực ven bờ biển của Việt Nam có rất nhiều loại chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển, tảo độc, sinh vật từ các khu vực biển bị ô nhiễm phú dưỡng,…
Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu
Trong đó, có nhiều loại chất thải khó phân hủy như túi nilon, cao su, nhựa,… trôi nổi trên biển gây ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và mỹ quan. Rác thải trôi nổi còn bắt gặp nhiều ở các cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư và khu phát triển du lịch.
Nhận thức được tầm quan trọng của ô nhiễm biển nói chung và ô nhiễm do rác thải nhựa nói riêng ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những văn bản quan trọng mang tính chiến lược như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường”;
Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương; Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 bao gồm các nội dung liên quan đến điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay đối với nhiệm vụ điều tra, khảo sát và giám sát ô nhiễm do rác thải nhựa trên biển đó là sự thiếu hụt về cơ sở khoa học, công nghệ, dữ liệu và thông tin về hiện trạng cũng như thiếu công cụ giám sát thường xuyên, hiệu quả tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở môi trường biển.
Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có những công cụ thực sự hiệu quả để có thể giải quyết vấn đề này, do phạm vi giám sát quá rộng, các phương pháp quan trắc giám sát truyền thống khó có thể phủ trùm và thực hiện một cách thường xuyên.
Công nghệ viễn thám – Giám sát trên diện rộng
Xuất phát từ thực tiễn đó, trong 3 năm 2022 – 2024, Cục Viễn thám quốc gia phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám” trên phạm vi các khu vực ven biển và biển ven bờ Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ. Bên cạnh đó, với phương pháp và quy trình công nghệ viễn thám tiên tiến, Dự án sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các bãi, đám rác thải nhựa lớn cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, để thực hiện Dự án, Cục sẽ sử dụng các loại ảnh chụp từ không gian với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp lại cao, cung cấp được thông tin thu nhận trên nhiều kênh phổ khác nhau để quan trắc trực tiếp trên biển.
Bên cạnh đó, Cục cũng sử dụng dữ liệu viễn thám SAR nhạy cảm với độ nhám của các đám rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa, các thành phần vi nhựa.
Mặt khác, theo nghiên cứu, các vật chất nhựa trôi nổi trên biển sẽ tạo ra môi trường sống cho các vi sinh vật. Hoạt động của các vi sinh vật trên bề mặt vật chất nhựa sẽ tạo ra các lớp màng sinh học và các vệt (mảng tối). Những màng sinh học và các vệt này có thể quan sát được trên ảnh radar (các mảng tối trên ảnh radar đen trắng) trong khi không thể nhận biết được trên ảnh quang học.
Cùng với đó, do sự khác nhau rõ rệt về phản xạ phổ của rác thải nhựa so với môi trường xung quanh nên khi phân tích ảnh có thể sớm phát hiện, nhận dạng và phân loại rác thải nhựa trên biển.
“Đặc biệt, với việc áp dụng giải pháp kỹ thuật xử lý dữ liệu viễn thám kết hợp với mô hình mô phỏng sẽ giảm rõ rệt công tác khảo sát lấy mẫu trên biển, góp phần giảm chi phí nhân công, trang thiết bị, tàu thuyền” – Ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.
Nguồn: Báo Tài nguyên & môi trường
Trung tâm Công nghệ Địa không gian – Vegastar Geospatial Center
Ngoài ra, Trung tâm VegaGeos cung cấp dịch vụ ảnh viễn thám có độ phân giải cao ở các lĩnh vực như: an ninh – quốc phòng, nông – lâm nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, quản lý tài nguyên môi trường, phát triển năng lượng, phát hiện biến đổi khí hậu và quản lý cơ sở hạ tầng. |