Phun trào bức xạ từ Mặt Trời chuẩn bị va chạm với Trái Đất ở vận tốc 3 triệu km/h
Hai trong số 17 vụ phun trào mặt trời xuất phát từ một vết đen duy nhất trên mặt trời gần đây, đang hướng tới Trái Đất với vận tốc khổng lồ. Do tác động của loạt sự kiện, cường độ cực quang phương Bắc sẽ xảy ra, mạnh tới mức người dân tại miền Bắc Hoa Kỳ cũng thấy sáng.
Có tên gọi AR2975, vết đen trên Mặt Trời đã liên tục bắn những dòng hạt mang điện từ ngày 28/3/2022 tới nay. Vết đen sinh ra từ những vùng bề mặt Mặt Trời chứa những từ trường mạnh mẽ xoắn vào nhau để rồi bất ngờ đứt gãy. Lượng năng lượng tỏa ra từ hiện tượng này tạo ra một lượng bức xạ lớn, được gọi là hiện tượng “coronal mass ejection” (CME), tạm dịch là “phóng khối hào quang”.
Hai vụ phun trào mặt trời hướng về Trái Đất đã hợp thể, trở thành “một vụ phóng khối hào quang ăn thịt đồng loại”, di chuyển tới Trái Đất với tốc độ 3.027.599 km/h. Khi va chạm với từ quyển của Trái Đất, vụ phun trào sẽ gây ra bão địa từ cấp G3. Dù được đánh giá là bão cường độ mạnh, ảnh hưởng của nó tới đồ điện tử không lớn.
Những CME “ăn thịt đồng loại” diễn ra khi vụ bùng nổ mới nuốt chửng bức xạ phóng ra từ một vụ bùng nổ diễn ra không lâu trước đó; chúng gộp sức mạnh, sinh ra hiện tượng bão địa từ ẩn chứa nhiều rủi ro.
Theo nhận định của chuyên gia, một vụ phun trào mặt trời CME sẽ tới Trái Đất sau khoảng 15-18 tiếng di chuyển. Khi đến nơi, bức xạ sẽ khiến từ trường Trái Đất bị ép, các hạt vật chất trong bầu khí quyển bị kích thích, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng. Ấy là lúc cực quang thắp sáng bầu trời đêm.
Cực quang là hiện tượng quang học khi xuất hiện màu sắc của các dải ánh sáng trên bầu trời vào buổi đêm. Theo thiên văn học thì cực quang là một hiện tượng quang học, mỗi khi nó xuất hiện sẽ mang theo một luồng ánh sáng đầy màu sắc tỏa sáng rực rỡ trên nền trời đêm. Hiện tượng lung linh này được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời kết hợp với tầng khí quyển bên trên của hành tinh.
Cực quang thường xuất hiện với hình dạng và kích thước không giống nhau. Điều này là do sự tương tác của những cơn gió mang điện từ từ Mặt Trời tới Trái Đất hoàn toàn không giống nhau.
Dù từ quyển của Trái Đất có thể hấp thụ năng lượng từ CME một cách an toàn, những cơn bão địa từ cấp độ cao vẫn có khả năng gây thiệt hại. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian, trực thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), bão cấp G3 có thể làm gián đoạn tín hiệu định hướng của vệ tinh, đồng thời ảnh hưởng tới tín hiệu vô tuyến thấp.
Hồi tháng Hai, một cơn bão mạnh đã đẩy 40 vệ tinh Starlink khỏi quỹ đạo. Các nhà khoa học cũng nhiều lần cảnh báo những cơn bão mặt trời mạnh có thể đánh sập mạng internet toàn cầu.
Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này đã từng xảy ra trong quá khứ. Lịch sử đương đại gọi đó là Sự kiện Carrington 1859, khi một cơn bão mặt trời, mang lượng năng lượng tương đương 10 tỷ quả bom nguyên tử 1 mega-tấn, va chạm với Trái Đất. Dòng năng lượng khổng lồ đã nướng trụi hệ thống điện tín toàn cầu, sinh ra cực quang sáng tới mức người dân tại khu vực gần xích đạo cũng nhìn thấy.
Nếu hiện tượng như vậy diễn ra trong thời hiện đại này, thiệt hại tài chính sẽ khó có thể diễn đạt bằng lời. Nhưng với con số thì có: mất điện trên diện rộng có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, buộc nền kinh tế thế giới chìm vào giấc ngủ sâu chưa biết ngày tỉnh dậy.
Nguồn: Space.com